Sốt phát ban là gì? Triệu chứng, cách điều trị và cách chăm sóc người bệnh

Sốt phát ban rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thủy đậu, sởi, rubella về triệu chứng ban đầu. Tuy nhiên, bệnh này thực sự là gì, triệu chứng và cách chăm sóc ra sao. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những thông tin sau.

1. Sốt phát ban là gì?

Sốt phát ban là gì

Bệnh sốt phát ban gây ra do một số chủng của Herpes virus. Đặc thù của bệnh là sốt và các nốt phát ban trên da. Các nốt ban có thể ẩn dưới da hoặc nhô lên trên bề mặt da tùy cơ địa từng người. Bệnh lành tính, không nguy hiểm nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên không ngoại lệ những trường hợp bệnh triệu chứng nặng đều có thể gây ra những biến chứng khó lường.

2. Triệu chứng sốt phát ban

Triệu chứng sốt phát ban

Ở giai đoạn ủ bệnh do virus Herpes kéo dài từ 1 – 2 tuần. Người bệnh sẽ phát bệnh vào tuần thứ 2 kể từ khi mắc virus. Một số dấu hiệu nhận biết:

Sốt cao trên 39,4 độ. Dấu hiệu này kéo dài từ 3 – 5 ngày. Sốt cao kèm các triệu chứng khác như ho, sổ mũi, viêm họng, nhức đầu. Hạch cổ, hạch dưới hàm có thể sưng to.

Phát ban xuất hiện sau cơn sốt. Nhưng nốt ban có thể ẩn dưới da hoặc nhô hẳn lên trên da. Các nốt ban thường xuất hiện ở vùng ngực, bụng, lưng, cánh tay, cổ và cả ở mặt. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ đến vài ngày là chúng tự biến mất, không để lại sẹo hay vết thâm nào trên da.

Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể xuất hiện thêm những biểu hiện khác như tiêu chảy nhẹ, chán ăn, quấy khóc nhiều,….

Rất dễ nhầm lẫn sốt phát ban với bệnh thủy đậu, sởi, rubella do các triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên, sau khi sốt thì triệu chứng các bệnh sẽ khác nhau. Thủy đậu sẽ xuất hiện nốt ban như hạt đậu, hình thành mụn nước và dễ để lại sẹo. Sởi thì sau khi bệnh khỏi sẽ để lại các vết thâm trên da. Còn sốt phát ban thì nốt ban sẽ bay sạch và không để lại dấu tích.

Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân sốt phát ban gặp các triệu chứng nặng hơn như sau cần đi gặp bác sĩ:

  • Sốt cao đến 40 độ và kéo dài. Kể cả người bệnh sử dụng thuốc hạ sốt cũng không hạ.
  • Các nốt ban kéo dài và không bay, thời gian lên đến 3 – 4 ngày.
  • Bệnh có dấu hiệu nặng hơn.
  • Một số dấu hiệu nguy hiểm như co giật, tiêu chảy kéo dài, thậm chí khó thở.

Với tất cả các dấu hiệu nguy hiểm kể trên, người bệnh cần ngay lập tức đi gặp bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời.

3. Sốt phát ban có lây không?

Sốt phát ban có lây không

Cũng giống như các bệnh do virus, bệnh sốt phát ban sẽ lây từ người qua người khi tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Khi nói chuyện trực tiếp, khi ho, hắt hơi hay dùng chung cốc với người bị bệnh dễ dễ bị nhiễm virus.

Bệnh hoàn toàn có thể lây ngay cả khi mới ở giai đoạn sốt, chưa phát ban. Bệnh không lây lan nhanh chóng, hiếm khi bùng dịch trong cộng đồng. Nhưng bệnh lại dễ xảy ra ở nhiều thời điểm trong năm.

4. Cách điều trị bệnh sốt phát ban

Không có một thuốc đặc trị cụ thể cho người bị bệnh sốt phát ban. Phần lớn trẻ em tự hồi phục trong khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, không dùng aspirin trong điều trị do thuốc có thể gây ra hội chứng Reye – hiếm gặp nhưng lại đe dọa tính mạng trẻ.

Lưu ý thuốc kháng sinh không có tác dụng khi người bệnh bị bệnh do virus gây ra.

Chăm sóc trẻ tại nhà:

chăm sóc trẻ sốt phát ban tại nhà
  • Trường hợp sốt từ 39,5 độ, hạ sốt với paracetamol với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 – 6 giờ một lần
  • Cho trẻ uống nhiều nước điện giải để bù nước tránh trường hợp bị mất nước.
  • Lau mát cơ thể trẻ bằng nước ấm
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa
  • Cho trẻ ăn nhiều hoa quả, bổ sung vitamin cần thiết
  • Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày với nước ấm
  • Mặc quần áo rộng, thoáng mát cho trẻ

Ngay khi gặp các triệu chứng như sốt cao không hạ sau khi phát ban, trẻ ngủ li bì, co giật, thở nhanh, mệt, phát ban không hết sau 3 – 5 ngày cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên môn.

5. Sốt phát ban có nguy hiểm hay không?

Sốt phát ban có nguy hiểm hay không

Sốt phát ban là một bệnh lành tính. Thông thường trẻ em hay người lớn mắc bệnh đều tự phục hồi. Tuy nhiên, một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải như:

Hiện tượng co giật ở trẻ em khi nhiệt độ cơ thể tăng nhanh. Trẻ có thể bất tỉnh trong thời gian ngắn, chân tay giật vài phút. Người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Viêm phổi hoặc viêm não. Đó là khi người mắc bệnh có hệ miễn dịch kém, người mới cấy ghép tủy xương, nội tạng. Những người này suy giảm hệ miễn dịch nên dễ bị nhiễm trùng nặng hơn.

Khi hiểu được bệnh sốt phát ban là gì, triệu chứng và cách điều trị ra sao chúng ta đã yên tâm hơn vì bệnh khá lành tính. Tuy nhiên, mọi bệnh đều có thể bất ngờ có những biến chứng nguy hiểm, người nhà cần theo dõi và chữa trị kịp thời để hạn chế rủi ro.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN